Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập”

0 729

Với mục đích trang bị cho sinh viên sự chủ động và hăng hái bước vào thời kỳ hội nhập của đất nước thông qua việc cung cấp những thông tin cập nhật bổ ích về xu hướng phát triển kinh tế thế giới nói chung và năng lực cạnh tranh của Việt Nam nói riêng trong thời kỳ hội nhập, ngày 08 tháng 8 năm 2016, Khoa Quốc tế – Đại học Thái Nguyên đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập”. Hai diễn giả chính của hội thảo là GS.TS. Nguyễn Đức Khương, người Việt xếp thứ 7 trong số 200 nhà kinh tế trẻ xuất sắc của thế giới và TS. Đinh Thanh Hương, chuyên gia chuyên kinh tế và tư vấn Tài chính ngân hàng của Tập đoàn Accenture (Mỹ). Tham dự chương trình hội thảo còn có PGS.TS. Hoàng Văn Phụ, Phó Trưởng Khoa Quốc tế – ĐHTN, cán bộ, giảng viên Khoa Quốc tế, đại diện các doanh nghiệp tại tỉnh Thái Nguyên (Ngân hàng quốc tế chi nhánh Thái Nguyên, Công ty Cổ phần Truyền thông và Tổ chức sự kiện DSC Thái Nguyên, Công ty Cổ phần Phát triển giáo dục ASEAN…) và hơn 100 sinh viên các khóa tại Khoa Quốc tế, ĐHTN.

Tại hội thảo, GS.TS. Nguyễn Đức Khương và TS. Đinh Thanh Hương đã chia sẻ thông tin và cách nghiên cứu về toàn cầu hóa và xu hướng hội nhập về kinh tế, chính trị, văn hóa trong giai đoạn hiện nay. Theo GS. Khương “Toàn cầu hóa là xu thế tất yếu. Quá trình toàn cầu hóa giúp đa dạng các danh mục đầu tư, giúp các quốc gia đẩy mạnh xuất khẩu, cùng tham gia vào những thiết chế chung như TPP, EU AEC… Tuy nhiên quá trình toàn cầu hóa cũng mang tới những thách thức không nhỏ cho mỗi quốc gia bởi những sự khách biệt về thể chế chính trị, thủ tục hành chính, nền văn hóa sẽ tạo ra những rủi ro trong quá trình hội nhập.”

Khi thông tin về tình hình kinh tế thế giới GS.TS. Nguyễn Đức Khương cũng nhấn mạnh những điểm thách thức chung khi nền kinh tế thế giới hiện nay diễn biến phức tạp, khó dự đoán. Hiện nay khi các quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam thì nguồn tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ, than đá, khoảng sản không còn là lợi thế, yếu tố then chốt tạo sự đốt phá cho quốc gia mà thay vào đó, theo GS. Khương, mỗi quốc gia cần tập trung vào 3 yếu tố chính: Con người (nguồn lực sản xuất – Human Capital), Công nghệ (Technology), và Khả năng làm chủ công nghệ (Technology Mastery) sẽ làm tăng năng lực cạnh tranh của quốc gia đối với các nền kinh tế khác trên thế giới.

Cũng theo GS.TS. Nguyễn Đức Khương, để xây dựng được năng lực cạnh tranh thông qua 3 yếu tố nêu trên thì công việc chính và quan trọng nhất thuộc về các cơ sở đào tạo và các viện nghiên cứu. Qua đó GS. Khương đưa ra một mô hình cho các trường Đại học cần tập trung xây dựng trong đó GS. Khương đánh giá rất cao chủ trương và cách làm của Khoa Quốc tế – Đại học Thái Nguyên đó là “nghiên cứu khoa học, quan hệ quốc tế và sáng nghiệp (kết nối doanh nghiệp, đổi mới công nghệ v.v)”.

Sau phần chia sẻ của GS. Khương, TS. Đinh Thanh Hương tiếp tục làm nóng hội thảo qua phần truyền lửa qua thông điệp HÀNH ĐỘNG của mình. TS. Hương nói; “Mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống vì thế phải sống thật ý nghĩa để không bao giờ phải hối tiếc.” Bên cạnh đó, TS. Hương đã chia sẻ cách mà mỗi bạn sinh viên có thể thay đổi để thành công từ những điều nhỏ nhất như thói quen ghi chép (khi học, tập, nghiên cứu, tham gia hội thảo, tập huấn hoặc trong quá trình trao đổi, thảo luận khác) và thói quen lập kế hoạch cho mọi công việc.

Nhiều câu hỏi của giảng viên và sinh viên Khoa Quốc tế đã được đưa ra và được GS. Khương, TS. Hương đánh giá là những cập hỏi chứa đựng nhiều thông tin mới, cập nhật về xu thế kinh tế thế giới hiện nay. Cô Nguyễn Tú Anh, Phó Trưởng Bộ môn Kinh tế-Quản lý của Khoa Quốc tế đã nêu vấn đề và đặt ra câu hỏi “Xu hướng phát triển của nền kinh tế Việt Nam được định hướng là nền kinh tế tuần hoàn (Circular Economy), trong đó các doanh nghiệp cần phải thay đổi mô hình kinh doanh theo hướng sử dụng yếu tố đầu vào là phế liệu có sẵn kết hợp với công nghệ cao để tái chế thành những sản phẩm có khả năng được tái sử dụng và là yếu tố đầu vào cho các quá trình sản xuất khác. Tuy nhiên hơn 90% doanh nghiệp của Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME – Small and Medium Sized Enterprises) có nhiều điểm yếu về vốn, công nghệ và nhân lực. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp khó có thể thay đổi các mô hình kinh doanh. Vì vậy, với vai trò là thành viên cố vấn cao cấp của Chính phủ Việt Nam, Giáo sư hãy cho biết quan điểm của mình để phát triển nền kinh tế tuần hoàn của Việt Nam.”

Trong khoảng thời gian không dài (chỉ hơn 2 tiếng) nhưng GS.TS. Nguyễn Đức Khương và TS. Đinh Thanh Hương đã mang tới những thông tin hết sức mới và bổ ích cho cán bộ, giảng viên (đặc biệt là các giảng viên Bộ môn Kinh tế-Quản lý) và sinh viên Khoa Quốc tế. Chia sẻ về cảm nhận sau khi lắng nghe các nội dung, thông tin cập nhật của GS. Khương và TS. Hương, cô Phạm Tuấn Linh giảng viên Kinh tế của Khoa Quốc tế nói “những thông tin về kinh tế vĩ mô tưởng như rất lý thuyết, khô khan và khó hiểu nhưng thầy Khương lại truyền đạt một cách đơn giản, dễ hiểu và rất lôi cuốn. Rất may mắn cho thầy và trò Khoa Quốc tế được tham gia chương trình hội thảo ngày hôm nay”.

Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế thế giới là cơ hội cũng như thách thức cho mỗi quốc gia, mỗi cá nhân trong xã hội. Vì vậy đón đầu xu hướng, làm chủ tri thức để nâng cao năng lực cạnh tranh cho đất nước là điều mà mỗi cán bộ, giảng viên và sinh viên Khoa Quốc tế lĩnh hội thêm được sau buổi hội thảo ý nghĩa này.

Đại diện Ban Chủ nhiệm Khoa Quốc tế – Đại học Thái Nguyên, PGS.TS. Hoàng Văn Phụ đã gửi lời cảm ơn sâu sắc tới GS.TS. Nguyễn Đức Khương và TS. Đinh Thanh Hương đã dành thời gian quý báu tới tham dự chương trình hội thảo và chia sẻ thông tin hết sức bổ ích tới Khoa Quốc tế. PGS. Phụ cũng trân trọng mời GS. Khương và TS. Hương trong thời gian sớm nhất có thể tới và dành thêm nhiều thời gian hơn trong năm học 2016-2017 để toàn bộ sinh viên của Khoa Quốc tế có cơ hội được tiếp xúc, lắng nghe và lĩnh hội những thông tin chia sẻ bổ ích cũng như được truyền lửa từ những chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới.